Khu Lăng mộ gia tộc là nơi quan trọng nhất của một gia tộc, là nơi giữ gìn những giá trị văn hóa gia đình. Hàng năm, con cháu đến đây thờ cúng thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo và cũng cầu mong những điều tốt đẹp đến với gia đình, dòng tộc mình.
Hiểu thế nào là gia tộc?
Gia tộc là tập hợp gia đình cùng một tổ tiên, một họ.
Gia tộc Việt Nam chia làm hai loại:
- Một là nhà hay tiểu gia đình phụ quyền bao gồm hai thế hệ là chủ yếu (bố mẹ, con cái)
- Hai là họ, gồm tất cả mọi người cùng chung một ông tổ sinh ra, kể cả người đã mất và người đang sống. Họ thường có một chi trưởng và nhiều chi thứ.
Những người quan hệ trong một gia đình thường là cha mẹ (khảo, phụ mẫu), ông bà (tổ), còn trên nữa là cụ (tằng), kị hay sơ (cao), rồi đến cao tổ, cho đến thuỷ tổ. Còn ở bên dưới, thường là con (tử), cháu (tôn).
Còn dưới nữa là chắt (tằng tôn) và chút (huyền tôn), cho đến ở xa dưới nữa thì gọi một tên chung là viễn tôn.
Từ cao tổ xuống huyền tôn là cửu tộc, tức 9 đời có mối liên hệ trực tiếp với nhau, chứ không phải 9 họ.
Khu Lăng Mộ gia tộc là gì?
Khu Lăng Mộ Gia tộc là một khu đất riêng, thuộc quyền sử dụng của cả gia tộc và thường được nhận định là vùng đất phong thuỷ tốt để chôn cất các thành viên trong gia đình.
Một lăng mộ gia tộc thường an táng (chôn cất) từ 2 đến 4 đời thành viên (có thể nhiều hơn). Theo quan niệm tâm linh, khi chết đi chúng ta sẽ được tổ tiên đón về thế giới bên kia. Nhưng đôi khi vì lý do được chôn cất xa nhau mà họ không tìm thấy nhau. Chính vì thế mộ gia tộc là nơi gắn kết nhiều thế hệ trong gia đình.
Xây Mộ gia tộc có ý nghĩa như thế nào?
Người xưa có câu “Con người có tổ, có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn”. Con người ai cũng có cha mẹ, ông bà, tổ tiên, có nguồn gốc của mình và luôn luôn phải nhớ đến và hiếu đạo với tổ tiên.
Việc xây mộ gia tộc có ý nghĩa chính là nhắc nhở con cháu đời sau phải thể hiện đạo hiếu của bản thân và ghi nhớ cội nguồn của mình đối với tổ tiên.
Giữ gìn đạo hiếu
Theo quan niệm Á Đông, “cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ, còn cuộc sống bên kia thế giới mới là vĩnh cửu” và đó là một trong những lý do khiến lăng mộ gia tộc được xây dựng rất chu đáo.
Trong văn hóa người Việt thể hiện đạo hiếu là sự biết ơn với cha mẹ, ông bà đó là công ơn sinh thành, dưỡng dục; đó là sự chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già và thờ cúng khi đã khuất.
Việc thờ cúng tổ tiên, thế hệ trước nêu gương cho thế hệ sau không chỉ vì đạo hiếu đối với các bậc sinh thành mà còn để giáo dục con cháu gìn giữ truyền thống gia phong của gia đình.
Tưởng nhớ cội nguồn
Đạo lý uống nước nhớ nguồn, một mặt con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành lúc còn sống hay đã khuất. Mặt khác, nó cũng thể hiện trách nhiệm liên tục và lâu dài của con cháu đối với tổ tiên.
Hằng năm, cứ đến ngày giỗ chạp con cháu khắp nơi lại đoàn tụ trước khu mộ gia tộc kính viếng tổ tiên, “người lớn” có dịp kể lại những câu chuyện của tổ tiên lúc sinh thời nhằm tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của người đã khuất. Đây là nét đẹp văn hóa gia đình cần được gìn giữ và nhân rộng.