An táng là gì ? Những việc phải làm trong lễ an táng người quá cố. Sau khi gia quyến đã thực hiện xong nghi thức nhập quan cho người mất thì sẽ phải thực hiện lễ an táng.
Một số lễ trước khi an táng
Phát tang
Chủ lễ làm lễ phát tang. Số khăn tang và mũ mấn được làm đủ với số con cháu, được đặt vào một chiếc mâm trên hương án. Trong lúc chủ tế làm lễ thì con cháu quỳ ở dưới chiếu. Lễ xong thì chủ tế hoặc con trưởng phát khăn tang cho mọi người. Khăn tang của những người vắng mặt được để lại trên mâm. Con trai, con gái và con dâu đều thắt khăn tang, đội mũ mấn và buộc một vòng dây chuối ngang người. Con rể chỉ chí khăn tang mà không đội mũ mấn.
Cách thức để tang xưa nói rất rõ ràng: tang cha mẹ thì thắt khăn sổ mối, hai dải khăn dài ngắn khác nhau nếu bố mẹ hai bên có người còn sống và bằng nhau nếu đã mất hết. Vợ để tang chồng cũng chít khăn sổ mối, một dải dài một dải ngắn, chồng để tang vợ thì chỉ quấn vòng tròn quanh đầu. Màu sắc khăn tang cũng chia theo thứ bậc.
- Con, cháu quấn khăn trắng
- Chắt thì khăn vàng
- Chút thì đội khăn đỏ
Trong suốt thời gian đám tang luôn có con cháu túc trực cạnh quan tài khóc hờ.
Phúng viếng
Xưa, đám tang thường bắt đầu từ 3 – 4 giờ chiều hôm trước và kết thúc vào 9-10 giờ sáng hôm sau. Sau lễ phát tang cho đến trước khi quay cữu là khoảng thời gian để thân nhân, bà con, họ hàng, làng xóm phúng viếng. Kể từ lúc này, người con trai trưởng phải đứng bên cạnh ban thờ vong, để cảm ơn những người đến phúng (đáp từ).
Người đến phúng đứng thành hàng trang nghiêm trước hương án, một người đại diện bước ra nói lời chia buồn với tang chủ, sau đó họ dành một phút cúi đầu mặc niệm người quá cố. Người đáp từ nói lời cảm ơn. Mỗi lễ phúng được tấu một khúc nhạc riêng, được quy định sẵn, rất bài bản.
Tế vong
Buổi tối, khi người đến phúng viếng đã vãn thì phường hiếu làm lễ tế vong. Phía cuối sân, đối diện với ban thờ vong, người ta kê một chiếc bàn, trên bàn bày một bình hương, một chai rượu nhỏ, một đĩa xôi và một đĩa thịt luộc. Chủ tế lần lượt dâng từng thứ lên ban thờ vong. Mỗi lần dâng có một bài tế riêng.
Quay cữu
Đúng 12 giờ đêm, tiến hành quay cữu (xoay chiều quan tài). Trước khi quay cữu, chủ lễ làm lễ tế. Quan tài được quay theo chiều ngang của ngôi nhà, đầu hướng vào phía ban thờ, chân hướng ra cửa. Nếu đặt ngược lại, hồn sẽ không ra khỏi nhà. Quay cữu xong, mọi người có thế đi nghỉ.
Tế cơm
Sáng hôm sau, trước khi cất đám khoảng 1 giờ, thì làm lễ tế cơm. Xới một bát cơm tẻ (cơm lồng) một quả trứng luộc, một đĩa muối trắng và một chén nước lã. Chủ lễ lại tế và lần lượt dâng tùng thứ một lên ban thờ vong (cách thức như tế vong tối hôm trước). Người xưa cho rằng, đó là cho người tạ thế ăn no trước khi lên đường sang thế giới bên kia.
Nghi thức An táng
Cất đám
Đến giờ đưa tang, thầy cúng đọc văn tế, đọc xong thì ông vào trong nhà, cầm dao chém lên mặt áo quan 3 nhát (xưa gọi phạt mộc, để xua ma tà, ác quỷ quấy nhiễu linh hồn), sau đó đậy kín nắp quan tài lại, đám tang khởi hành.
- Thứ tự: Phật đình, long kiệu, cờ phướn, cầu kiều (đối với người quy phật), linh sa, cờ tang, phường kèn, xe tang, con cháu và cuối cùng là hàng xóm láng giềng.
Thường con trai trưởng đi song song với quan tài. Trên suốt chặng đường đi thì thổi kèn, đánh trống, đánh phèng để xua đuổi ma tà, ác quỷ.
Xưa còn có tục: khi đưa tang con trai trưởng phải chống gậy tre và đi xuôi (nếu tang cha), chống gậy vông, đi giật lùi (nếu tang mẹ).
Hạ huyệt
Huyệt được con cháu đào từ hôm trước (ở huyệt đích đã chọn). Lúc hạ huyệt, người con trai trưởng lấp hòn đất đầu tiên, sau đó các anh em, con cháu lần lượt ném một nắm đất vào huyệt mộ, thể hiện ý nghĩa con cái đắp mộ cho cha mẹ. Lúc này mộ mới chỉ đắp sơ sài (ấp mộ), rồi phủ vài mảng cỏ, thắp hương và đặt bát cơm bông lên mộ. Các cụ đội cầu kiệu đi vòng quanh mộ, cầu kinh.
Khi xong lễ đám tang trở về, phải về bằng con đường khác lúc đi, tuyệt đối không đi về bằng con đường cũ đi trước và cũng không khóc nữa, vì như vậy hồn người chết sẽ biết mà theo về.
Rước vong về thờ
Ảnh, bát hương cùng mâm quả thờ trên linh sa được rước về và đặt lên ban thờ. Tục xưa thì lập một ban thờ ở ngay nơi mà trước kia người quá cố nằm. Hai bên ban thờ treo các câu đối thành 2 hàng dọc. Trên ban thờ luôn có hương khói, đèn nhang.
Một số nghi thức sau đám tang
Đi đắp mộ
Buổi chiều hoặc 3 ngày sau đám tang, con cháu người quá cố mang cuốc, xẻng đi đắp lại cho ngôi mộ cao lên và đẹp hơn. Lấy những mảng cỏ phủ kín be mặt ngôi mộ, sau đó thắp hương rồi trở về.
Xưa cho rằng, nếu cỏ trên ngôi mộ lên nhanh, xanh tươi là điềm lành, báo là mồ yên mả đẹp.
Cúng tuần đầu
Sau an táng thì có lễ cúng tuần đầu. Tục lễ xưa, tuần đầu không quy định bao nhiêu ngày, mà là ngày rằm hoặc mùng một đầu tiên, kể từ sau khi chết. Lễ này là sắp cỗ mặn để cúng ở nhà, không cần thiết phải ra mộ.
Cúng 49 ngày
Tục xưa, ngày thứ 49 con cháu làm cỗ mặn cúng tại nhà và mang xôi gà, rượu cùng trầu, cau, hương lên chùa, đền làm lễ cho vong hồn người quá cố được mát mẻ, siêu thoát. Sau 49 ngày có thể rước vong linh lên chùa đối với những cụ đã quy Phật.
- Lễ vật gồm: trầu cau, xôi thịt cùng với hương nến.
Thân nhân nói tên tuổi người quá cố để nhà sư làm lễ. Con cháu vẫn thờ cúng ở nhà bình thường
Cúng 100 ngày
Tục xưa, trong vòng 100 ngày. con cháu phải cúng cơm mỗi ngày hai bữa trưa, chiều. Cúng trong vòng 100 ngày rất đơn giản. Cơm cúng gồm:
- Một bát cợm lồng
- Một đôi đũa
- Một quả trứng luộc đã bóc sạch vỏ
- Một đĩa muối trắng
- Một chén nước lã
Đặt mâm lễ lên ban thờ rồi chắp tay khấn, gọi đầy đủ tên tuổi, quê quán của người quá cố, mời về ăn cơm. Cơm nấu để cúng không được ghế cơm nguội, không được nếm hay lấy cho chó, mèo ăn trước khi cúng. Cũng trong khoảng 100 ngày này, mỗi khi có đám tang ở gần thì con cháu phải đi nhận mộ, bằng cách lên thắp hương và hờ khóc trong suốt khoảng thời gian đám tang kia chôn cất.
Xưa cho rằng, khi có một đám tang mới là dưới âm phủ có một đám hội, linh hồn có thể mải chơi mà quên mất lối về, hờ khóc là để gọi hồn về đúng phần mộ của người quá cố. Đến ngày thứ 100, làm lễ tốt khốc.
Lễ này cũng như lễ 49 ngày, nhưng thường được tổ chức lớn hơn, mời họ tộc và con cháu về đông đủ. Sau 100 ngày thân nhân không phải cúng cơm nữa, người quá cố được thờ chung trên ban thờ tổ tiên, câu đối và ban thờ tạm cũng được dọn dẹp.
Kỵ nhật
Người dân cúng giỗ Tổ tiên và thân nhân của mình mỗi năm 1 lần vào ngày mất của họ (cũng có thể giỗ trước hoặc sau ngày chết một ngày, nhưng vào ngày chết phải thắp hương). Trong đó, dân rất coi trọng giỗ đầu và thường tổ chức long trọng, linh đình.
Thân nhân ở xa không về kịp đám tang, thường đợi đến giỗ đầu mới về. Vì cho răng, sau một năm mà thân nhân người chết không ốm đau, làm an không thất bại, mồ mà không bị động, thì người quá cố đó mới được coi là ra đi thanh thản, mồ yên mà đẹp và phù hộ độ trì cho con cháu.
Đáng chú ý là trong các vật phẩm cúng giỗ, không bao giờ dùng xôi đỗ đen hoặc các món canh cua, riêu ốc. Thường cúng những món mà khi còn sống người đó thích ăn.
Cải táng
Thường từ sau 3 năm trở lên mới được phép cải táng (cải mộ). Người ta hay xem ngày lành, chọn giờ tốt và mua sẵn một chiếc tiểu sành để chuẩn bị cho công việc quan trọng này. Đến ngày đã định, trước khi đào mộ, con cháu làm lễ cúng tổ tiên, trình bày việc “thay nhà mới” cho người quá cố. Dân cũng thường sắp lễ đến cúng ở chùa, đền và trên mộ.
Khi cải táng, người ta tránh không cho ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống huyệt. Bởi vậy thường dùng bạt màu xanh đậm, xanh lơ để che hoặc ban đêm. Phải mang theo rượu để rửa tay và đổ xuống ván khi vừa mở nắp, mục đích là để tẩy mùi.
Xương cốt được thu gom đầy đủ rồi đặt vào trong tiểu, nhưng phải sắp xếp theo đúng như vị trí cúa chúng trên cơ thể. Tiểu được đem đi chôn ở nơi đã chọn, nhìn chung thường quy tụ mồ mả của họ tộc về một khu vực để dễ bề trông nom, chăm sóc gọi là khu lăng mộ. Từ đây, được chôn vĩnh viễn không chuyển dịch đi nơi khác nữa trừ những trường hợp đặc biệt bất khả kháng.
Một số trường hợp đặc biệt
Trừ trùng
Trường hợp chết vào giờ độc hoặc trùng tang thì phải làm lễ trừ trùng. Biểu hiện của hiện tượng này là thân nhân mơ thấy hồn người chết hiện về báo mộng than khóc hoặc kể lể thiếu thốn. Yêu cầu người sống gửi cho những vật dùng hoặc trong vòng 100 ngày thân nhân luôn gặp hạn, ốm đau, tai nạn, làm ăn thất bại hay có người đột tử,… Thì phải mời thầy làm lễ phép, yểm bùa để trừ tà.
Lễ gồm 4 lá bùa bỏ vào 4 ống tre rồi lên mộ cúng. Thầy làm phép rồi chôn 4 ống tre xuống 4 góc của ngôi mộ. Quay về nhà, thầy lại cúng và làm phép ở ngoài sân, sau đó chôn 1 cái lưỡi cày ở giữa gầm giường mà trước đây người chết nằm, gọi là yểm đảo.
Trẻ con chết
- Trẻ dưới 16 tuổi: Không được làm đám tang, mà chỉ có một số thân nhân trong họ tộc khâm liệm, rồi đưa đi an táng một cách lặng lẽ (mẹ sinh ra đứa bé không được đi đưa tang). Đám tang trẻ em thường diễn ra vào lúc chiều tối.
- Trẻ dưới 6 tuổi: Không được dùng ván mà phải bỏ chiếu chôn, thân nhân không được để tang và thờ cúng (không có tuần đầu, không 49 ngày, không cúng cơm 100 ngày và cả giỗ cũng không có).
- Trẻ từ 6-15 tuổi: Được dùng ván, nhưng chỉ dùng ván làm từ gỗ của những chiếc ván đã được cải táng bỏ ra, được làm giỗ, nhưng không có lễ tuần đầu, không 49 ngày và cũng không lễ 100 ngày. Ban thờ được lập riêng, không được thờ chung với ban thờ tổ tiên.
Chết ở ngoài nhà
Là các trường hợp chết không ở trong nhà của mình, như: chết đuối, chết tai nạn, chết bom đạn chiến trường hoặc chết ở bệnh viện. Những trường hợp này người ta kiêng không đưa xác về nhà, mà làm đám tang ở sân kho, sân đình hay dựng rạp trên đường đi tới nghĩa địa (nơi an táng). Các nghi thức được tiến hành nhanh gọn ngay trong ngày, thường chôn cất khoảng giữa trưa (12 giờ trưa đến 14 giờ chiều)
Trẻ chết đuối thì sau khi chôn 1-3 ngày, phải làm lễ rước hồn. Thầy bắc một chiếc cầu kiều (làm bằng mảnh vải trắng) dài khoảng 8 m, từ dưới ao, hồ lên bờ (nơi đặt hương án). Trên hương án bày đủ xôi thịt, rượu, hương, nến. Thầy làm lễ cúng rồi làm phép rước hồn, khi nào trên tấm vải xuất hiện vết chân thì hồn đã lên bờ.
Trên đây là chi tiết những việc phải làm trong nghi thức an táng.
==> Xem thêm: Cách chọn thời gian cụ thể cho tang lễ